Ăn dặm là bước đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ, có thể giúp trẻ phát triển và nâng cao khả năng ăn uống sau này. Tuy nhiên, những gia đình lần đầu có con còn nhiều bỡ ngỡ. Họ không biết nên cho con bú sữa mẹ vào thời điểm nào, thực đơn ăn dặm như thế nào là tốt nhất, những món ăn được, những món nào không được ăn,… Bố mẹ cần phải có những kiến thức khi cho bé ăn dặm toàn diện và chính xác nhất; để có thể giúp cho sự phát triển của trẻ sau này. Hiểu được tâm lí và nhu cầu của các ông bố, bà mẹ. Sau đây, dky xin được chia sẻ vài kiến thức quan trọng đến các bạn.
Mục lục
Phải tập cho bé ăn dặm như thế nào?
Thực phẩm để tập ăn cần đơn giản, dễ làm. Bạn đừng chú ý đến thành phần dinh dưỡng vội vì điều quan trọng lúc này là tập cách ăn, giúp bé quen với độ đặc, vị thức ăn mới và ăn bằng thìa thay vì bú mút. Các thức ăn đầu tiên có thể là:
- Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng thìa. Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn, trộn với vài thìa sữa mẹ hoặc loại sữa bò bé đang bú.
- Một thìa bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước ấm hoặc sữa, 1 thìa nước cơm hòa với sữa, các bạn có thể tham khảo cách pha bột ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi của chamenuoicon để có thể tập ăn dặm cho bé .
- Tán nhuyễn vài thìa bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.
Đầu tiên bạn cần chọn một trong các thứ trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn, có thể tăng dần lên 1-3 thìa nhỏ. Nên tập lúc bé đói, sau đó vẫn cho bú bình thường đến khi đủ no. Khi bé đã quen với thức ăn đầu tiên, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên, dần dần bé sẽ quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn.
Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sền sệt rồi đặc hơn để bé dần dần thích nghi. Mỗi loại thức ăn mới cần tập trong 3-5 ngày mới chuyển sang thức khác. Thời gian này đủ để bé làm quen với thực phẩm, giúp mẹ phát hiện ra loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ để loại trừ.
Cho bé ăn dặm bao nhiêu thì đủ?
- Trẻ 4-6 tháng: Lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa vài thìa (tăng dần) và cho bú thêm ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng, có thể tăng thêm 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng nửa bát. sữa vẫn phải duy trì đủ theo yêu cầu của bé.
- Từ 6 đến 9 tháng: Ăn bột 2 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 1/2-2/3 bát với đủ 4 nhóm thực phẩm. Vẫn cho bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.
- Từ 9 đến 12 tháng: Ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng 2/3 bát mỗi bữa. Ǎn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như pho mát, rau câu. Sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của bé. Nói chung, lượng ăn của mỗi bé khác nhau tùy theo khả năng tiêu hóa, hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn. Vì vậy, bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt.
Cung cấp đủ chất khi cho bé ăn dặm
Thực phẩm trong thiên nhiên được phân thành 4 nhóm dinh dưỡng chính:
- Chất bột đường : gạo, bún, mì, bánh phở,…
- Chất béo : dầu ăn, mỡ động vật, bơ,…
- Chất đạm : thịt, cá, tôm, cua, trứng, tào phớ,…
- Rau và trái cây.
Khẩu phần ăn dặm của bé phải có cả 4 nhóm thực phẩm trên thì mới đủ chất . Với nửa bát bột hay cháo, cần cho thêm chất đạm, rau củ phải băm nhuyễn, dầu ăn mỗi thứ 1 thìa canh. Bé phải được cho ăn cả phần cái của thực phẩm thì mới nhận được đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, các thực phẩm cần được xắt nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín.
Nên nấu bữa nào ăn bữa đó, thay đổi món thường xuyên cho bé. Giữa các bữa ăn dặm cho bé ,bạn nên cho bé uống thêm 50-100 ml nước trái cây hoặc trái cây tán nhuyễn để cung cấp thêm các loại sinh tố cần thiết.
Những khó khăn trong quá trình cho bé ăn dặm
- Bé chống cự lại, không chịu ăn: Hãy đổi qua một loại thức ăn khác, vì có thể bé không thích bột ngọt mà lại thích ăn bột mặn hay ngược lại. Thay vì dùng thìa đút, bạn có thể lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho bé nuốt. Nếu không thành công, hãy tạm dừng 1-2 tuần sau rồi thử lại, không nên ép bé.
- Bé đi tiêu hơi lỏng: Nếu bé vẫn ăn, bú tốt, chơi khỏe, bạn cứ an tâm cho bé tiếp tục ăn. Nếu bé đi tiêu nhiều nước và đi hơn 3 lần mỗi ngày, kèm theo nôn trớ, chướng bụng, bỏ bú,…thì nên ngừng cho ăn ngay. Nửa tháng sau hãy tập ăn trở lại như hướng dẫn trong những ngày đầu ăn dặm.
- Bé bị nổi mề đay, phát ban… sau khi ăn trứng: Có thể do dị ứng trứng, nên tạm ngưng ăn trứng một thời gian . Nên nấu trứng chín kỹ, không cho bé ăn “lòng đào”.
- Bé bị nghẹn, khó nuốt: Kiểm tra xem bột có quá đặc, quá lợn cợn không. Hãy làm loãng bột hơn với một ít nước chín, nước canh hay sữa; hoặc tán nhỏ thức ăn hơn nữa bằng thìa.
- Bé không muốn ăn: Có phải do bé chưa đói, bạn hãy chờ đến bữa ăn sau. Lúc đói hãy cho ăn, sau đó cho bú thêm ngay để bé đủ no. Không nên gò ép, căng thẳng kẻo làm bé sợ ăn; vì việc tạo thói quen ăn uống quan trọng hơn việc phải ăn cho hết suất.
Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Nhiều cha mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, thậm chí từ khi bé mới được 3 – 4 tháng, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như:
- Nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thích nghi được với một số loại thức ăn.
- Thức ăn không đảm bảo, khó tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, táo bón.
- Bé ăn dặm sớm khiến trẻ bú mẹ ít đi, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ bị thiếu hụt ở trẻ, đặc biệt là các chất giúp tăng đề kháng.
- Trẻ bú ít gây tăng nguy cơ mang thai sớm ở người mẹ.
Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 9 tháng) sẽ khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trường, dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu,…
Lưu ý:
- Dưới 1 tuổi, thận của trẻ còn yếu, không thể tải quá 1g muối mỗi ngày. Không nêm thêm các loại gia vị mặn vào thức ăn của trẻ. Bản thân thực phẩm đã cung cấp đủ nhu cầu của trẻ.
- Từ 1 tuổi trở lên, có thể nêm một chút muối hoặc mắm, chú ý nên nêm nhạt. Tốt nhất là tập cho trẻ ăn nhạt từ nhỏ để đảm bảo sức khỏe sau này.
- Cho trẻ ăn cháo ngọt: Cha mẹ không nên sử dụng quá nhiều đường cho trẻ. Với người lớn, lượng đường tiêu thụ tối đa trong một ngày là 20g. Vì thế, không nên cho trẻ ăn quá nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Chỉ cho trẻ ăn cháo với nước thịt, nước hầm xương: Nên thay đổi các loại thực phẩm giàu đạm thường xuyên, băm nhỏ thịt cá vào trong cháo để bữa ăn của trẻ đa dạng và lạ miệng hơn.
- Không dùng dầu mỡ khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ: Trẻ cần được bổ sung chất béo từ dầu mỡ với một lượng vừa đủ để cơ thể hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Có thể sử dụng các loại dầu thực vật dành riêng cho trẻ như: dầu óc chó, dầu hạt cải…
- Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng: Việc nuốt chửng cơm sẽ khiến dạ dày trẻ phải hoạt động quá sức.
Trên đây là nhưng điều cần biết khi cho bé ăn dặm. Dky hi vọng đã cung cấp một số kiến thức cần thiết và bổ ích ăn dặm cho bé đến các bà mẹ trẻ.
Nguồn: chamenuoicon.com