Để nấu được một bữa cơm vừa ngon, vừa đủ chất dinh dưỡng lại vừa đảm bảo an toàn không phải là một đều dễ dàng. Có những thói quen sai lầm mà các chị em thường nghĩ là đúng và thực hiện trong bữa ăn hằng ngày. Khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm là một điều vô cùng quan trọng. Nếu không chú ý chế biến cẩn thận dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe
Sau đây Dky chia sẻ đến các chị em những vấn đề cần tránh khi nấu ăn. Hy vọng những chia sẻ này giúp các chị em có được bữa ăn đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình mình.
Mục lục
Trước khi nấu không làm nóng chảo hoặc xoong nồi
Một số người thiếu kiên nhẫn thường có thói quen bật bếp, bắc nồi/chảo là lập tức bỏ đồ ăn vào luôn. Thế nhưng việc làm nóng xoong chảo trước khi thực hiện các món chiên rán, rang xào… là rất quan trọng. Với các món này, khi làm nóng chảo trước khi cho dầu ăn có 2 tác dụng chính.
Một là hạn chế tình trạng dầu ăn bị phân hủy thành các chất độc hại khi chúng ta làm nóng chảo và dầu cùng lúc trong thời gian dài. Hai là việc làm nóng chảo khiến nhiệt độ được phân tán đều tới đồ ăn hơn. Chưa kể còn khiến thực phẩm nhanh chín đều và ngăn ngừa tình trạng thức ăn bên trong khô, bên ngoài cháy hoặc ngoài cháy nhưng bên trong chưa chín.
Không khuấy các món ninh, hầm
Nhiều người mặc định rằng nếu đang hầm/ ninh nhừ một món ăn, không cần phải đảo, khuấy. Chỉ việc cho đủ nước và đậy vung cho chúng tự sôi, chín là được. Bất kỳ món ăn nào khi đã bắc lên bếp để nấu thì đều cần được đảo để chúng ngấm đều gia vị và chín đều (trừ món nướng trong lò nướng). Bởi theo nguyên tắc, nguồn nhiệt tỏa từ dưới lên. Khi bạn đun phần thực phẩm tiếp xúc gần với đáy nồi nhất sẽ nhanh chín và chín kỹ nhất. Tương tự với gia vị cũng vậy. Việc đảo, khuấy khiến gia vị ngấm đều vào các mặt của mỗi miếng thực phẩm hơn.
Nếu bạn không đảo đều món hầm/ninh, tình trạng bên dưới nhừ trong khi bên trên mới chỉ chín tới và còn cứng là chuyện bình thường. Đó là chưa kể, sẽ có một phần món ăn mặn hơn các phần còn lại vì gia vị chỉ kịp hòa tan ở một phần của nước dùng và ngấm vào món ăn ở góc đó. Vì vậy bất kể khi ninh xương, nấu cháo, hay chỉ là nấu canh, hãy chú ý đảo đều thực phẩm.
Cho quá nhiều đồ ăn vào chiên cùng lúc
Việc cho quá nhiều thực phẩm sống vào chảo chiên không phải là cách nấu ăn thông minh. Dù biết rằng trước đó bạn có cho nhiều dầu tới đâu đi nữa. Với một không gian chảo nhất định, bạn chỉ nên bỏ một lượng thực phẩm vừa phải. Việc làm này sẽ khiến chúng có thể chín đều, vàng giòn và giữ được độ ngọt, mềm của món ăn.
Nếu cho quá nhiều cùng một lúc, bạn giống như đang “hấp đồ ăn bằng dầu” vậy. Điều này khiến thực phẩm bị ra nước quá nhiều, hơi nước không kịp thoát lên sẽ ngấm ngược lại đồ ăn, khiến chúng bị mềm ỉu, thấm dầu.
Sử dụng quá nhiều lần dầu cũ để chế biến tiếp
Nhiều người sau khi chiên, nấu còn thừa dầu ăn thường sử dụng tiếp sang những món khác. Đây là một thói quen vô cùng nguy hiểm. Bởi dầu mỡ sau khi chiên ở nhiệt độ cao, sau đó lại dùng để đun nấu những món ăn khác rất dễ sinh ra những chất độc hại. Lớp cặn còn sót lại trong quá trình chiên bị cháy cũng là tác nhân gây hại cho người sử dụng.
Do đó, khi chế biến món ăn bạn nên sử dụng một lượng dầu ăn vừa phải để tiết kiệm. Sau mỗi lần dùng thì nên bỏ đi chứ không nên tái sử dụng.
Hâm nóng đồ ăn quá nhiều lần
Với quan niệm “ăn nóng ngon hơn”, việc đun đi đun lại thức ăn là điều hầu như ai cũng làm. Tuy nhiên, đừng hâm nóng thức ăn nhiều lần. Việc này chỉ khiến thức ăn bị biến chất và mất chất chứ không hề khiến chúng ngon hơn. Thậm chí, carbohydrates sẽ kết hợp với chất béo trong đồ ăn tạo ra hợp chất gây ung thư. Hãy cố gắng nấu lượng thực phẩm vừa đủ để ăn hết trong một bữa. Và bạn luôn nhớ chỉ hâm nóng đồ ăn 1 lần sau khi nấu.
Thịt vừa chín đã vội thái ngay
Với các miếng thịt luộc, sau khi vớt ra đừng thái chúng luôn. Miếng thịt nóng vừa khó thái vừa dễ bị nát nếu bạn cố thái lúc còn nóng. Hãy đặt chúng trên đĩa trong một thời gian đủ để miếng thịt nguội bớt. Khi đó nước trong miếng thịt cũng ráo và khi bạn thái, thớ thịt sẽ đẹp hơn. Với món gà cũng vậy, gà nóng mà đem chặt sẽ rất nát. Nhưng chỉ cần hong nó một vài phút dưới quạt hoặc chỗ thoáng khí, miếng gà chặt ra sẽ đẹp hơn nhiều.
Riêng với các món nướng nguyên khối như bít tết cũng cần để ý. Sau khi được nấu chín, phần nước ngọt sẽ thấm từ từ vào trong miếng thịt. Nếu cắt quá sớm, phần nước chưa kịp ngấm này sẽ chảy ra làm thịt bị khô. Vị ngon ngọt của miếng thịt cũng bớt đi nhiều.
Sử dụng nước mắm để ướp thịt
Việc dùng nước mắm để ướp là thói quen của nhiều người. Bởi nước mắm được cho là có vị đậm đà và dễ thấm hơn các loại gia vị như muối. Tuy nhiên, nước mắm lại khiến thịt bị cứng, khô hơn. Các bạn nên sử dụng bột canh, muối để ướp thịt sống. Nếu muốn cho mắm, hãy nấu chín thịt và cho một ít nước mắm trước khi tắt bếp.
Dùng chung thớt để thái thịt sống và thịt chín
Đây là sai lầm nhiều người mắc phải nhất. Sự nhanh và tiện lợi của việc dùng chung thớt khiến cho nhiều chị em quên mất các mầm mống gây bệnh đang ẩn nấp. Việc sử dụng chung dao, thớt để thái thịt sống và thịt chín có thể dẫn đến việc gây ô nhiểm chéo. Mầm bệnh hay các vi khuẩn từ thịt sống có thể dễ dàng lây lan sang thực phẩm đã được nấu chín. Dẫn đến gây ngộ độc thực phẩm.
Tốt nhất các bạn nên phân loại dụng cụ dao, thớt để sử dụng với mục đích khác nhau. Nếu gia đình bạn chỉ có duy nhất một chiếc thớt. Hãy đảm bảo vệ sinh sạch sẽ sau khi thái thịt, gia cầm, hải sản sống rồi mới được sử dụng cho đồ chín
Nguồn: vov.vn